Mẹ cần phân biệt hai tình trạng này để có biện pháp khắc phục hợp lý bằng khẩu phần ăn, chế độ tập luyện, kết hợp bổ sung sữa cho trẻ suy dinh dưỡng.
Trẻ bị còi xương
Còi xương là rối loạn về xương xảy ra khi trẻ bị thiếu canxi, phosho hoặc vitamin D.
Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các bé từ 6 đến 36 tháng, đây là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh và có nhu cầu dinh dưỡng lớn, dễ bị thiếu hụt. Những trẻ bị còi xương thường có xương mềm, yếu, chậm phát triển chiều cao, trong trường hợp bị bệnh nặng có thể bị dị dạng về xương.
Các bé chỉ bú mẹ mà không tắm nắng hay không uống bổ sung vitamin D cũng nằm trong nhóm có nguy cơ còi xương, vì sữa mẹ không đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu vitamin D.
Trẻ còi xương thường có biểu hiện quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.
Bên cạnh đó, trẻ còn xuất hiện các triệu chứng ở xương như: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, chân cong hình chữ X, chữ O. Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón, chậm phát triển vận động: Chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…
Cách phòng ngừa còi xương hiệu quả nhất là bổ sung đầy đủ canxi, phospho và vitamin D cho bé bằng việc tắm nắng hàng ngày, ăn nhiều hải sản, uống sữa…
Trẻ suy dinh dưỡng
Các bé bị suy dinh dưỡng thường có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn bạn đồng trang lứa. Một số trẻ suy dinh dưỡng cũng đồng thời mắc bệnh còi xương.
Trẻ suy dinh dưỡng thường có những biểu hiện như: Gầy còm, chiều cao và cân nặng đều ít hơn bạn cùng trang lứa, da xanh xao, kém hoạt bát, chậm mọc răng, khô giác mạc, bị quáng gà… Trong trường hợp nặng, suy dinh dưỡng có thể dẫn đến phù thũng, thiếu máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do các bà mẹ thiếu kiến thức nuôi dưỡng, cho con ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn không đảm bảo chất lượng, cai sữa sớm, trẻ bị nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính (viêm phế quản mãn, tiêu chảy, lao, sởi…), các yếu tố nguy cơ: Trẻ đẻ nhẹ cân, bị các dị tật bẩm sinh, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc sai khoa học, trẻ biếng ăn…
Để khắc phục tình trạng này, mẹ cần thay đổi khẩu chế độ dinh dưỡng của trẻ, cho con ăn đầy đủ các nhóm chất, đúng giờ, đủ bữa, cho bé tăng cường vận động và kết hợp bổ sung sữa cho trẻ suy dinh dưỡng. Sữa cho trẻ suy dinh dưỡng mẹ nên chọn loại giàu năng lượng, có tỷ lệ đạm cân đối, tăng cường kẽm, lysine, vitamin nhóm B giúp trẻ ăn ngon miệng, bổ sung canxi – vitamin D giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao.