Các bệnh trẻ dễ gặp trong dịp Tết

Các bệnh trẻ dễ gặp trong dịp Tết

Tết là thời điểm gia đình quây quần, sum họp, tuy nhiên những xáo trộn về dinh dưỡng, sinh hoạt trong ngày Tết lại là nguyên nhân khiến trẻ rất dễ mắc bệnh.

Theo thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, số trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa trong ngày Tết tăng từ 20 – 25% so với ngày thường. Mẹ cần nắm được những bệnh trẻ dễ mắc vào thời điểm này để có biện pháp phòng tránh phù hợp giúp trẻ khỏe mạnh đón Tết bên gia đình.

Viêm đường hô hấp trên và dưới

Vào ngày Tết, ở miền Bắc thời tiết thường lạnh, thậm chí là rét đậm rét hại trong khi miền Nam trời lại nóng, trẻ có thói quen uống nước lạnh làm tăng nguy cơ mắc với các bệnh về đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm họng, ho, viêm mũi, cảm cúm… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dễ biến chứng nặng hơn, tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi…) với nguy cơ suy hô hấp như sốt cao, khó thở, khò khè, da tím tái, co giật.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ đi chơi muộn, khi trời mưa, thời tiết quá lạnh. Khi đi ra ngoài, chú ý mặc ấm, đeo khẩu trang, găng tay, mũ cho trẻ, hạn chế con uống nước đá lạnh.

Tiêu chảy cấp

Do bận rộn cỗ bàn, khách khứa nên nhiều mẹ lơ là việc ăn uống của con, trẻ thoải mái ăn bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả và không ăn đúng bữa… Đó là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy. Bệnh nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ do mất nước nhiều.

Khi con bị tiêu chảy, phụ huynh cần bù nước cho con bằng các dung dịch như: ORS, Hydrite. Trong trường hợp bị sốt, cần cho uống thuốc hạ sốt, nếu sau hai ngày tình trạng không được cải thiện nên đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.
Để phòng tránh bệnh, mẹ cần chú ý đảm bảo cho con ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, không ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, cho con ăn đúng giờ, đủ bữa như ngày thường.

Táo bón

Ngày Tết khẩu phần ăn của gia đình nào cũng nhiều chất đạm, chất béo trong khi các món rau xanh, hoa quả lại rất ít. Đây là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

Khi con bị táo bón, mẹ nên cho bé uống nhiều nước và bổ sung rau trong bữa ăn. Ngoài ra, cho trẻ uống men vi sinh và ăn thêm hoa quả giàu chất xơ như cam, quýt, lê, táo… vừa phòng tránh táo bón vừa tăng cường sức đề kháng.

Ngộ độc thức ăn

Thói quen sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn của nhiều gia đình trong dịp Tết khiến trẻ rất dễ bị ngộ độc thức ăn bởi các thực phẩm này rất dễ bị nhiễm khuẩn. Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường có biểu hiện đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1 – 6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.

Khi con bị ngộ độc thức ăn, phụ huynh cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần, tính chất dịch ói, phân và nước tiểu. Nếu có xuất hiện những triệu chứng nặng như: Nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, sốt cao, phân có máu, khát nhiều, đau bụng nhiều, bụng sình, nhức đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì nên đưa đến các cơ sở y tế cấp cứu.

Để phòng tránh ngộ độc thức ăn, phụ huynh cần nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn.

Trên đây là những bệnh trẻ rất hay mắc vào dịp Tết, phụ huynh cần nắm rõ từ đó có biện pháp phòng tránh phù hợp bằng việc duy trì cho con chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, sinh hoạt điều đó có như vậy mới có sức khỏe tốt đón một cái Tết đầm ấm cùng gia đình.