Báo Công Thương: Dư địa thị trường sữa Việt còn rất lớn

Báo Công Thương: Dư địa thị trường sữa Việt còn rất lớn

Với sản lượng sữa đạt 936 nghìn tấn (năm 2018), tăng bình quân 15%/năm cho giai đoạn 2011-2018, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, thị trường sữa Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư.

Sản lượng sữa mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước

Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam – cho biết, sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người. Ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước, với mức tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2018, tổng doanh thu đạt ước 109.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 9% so với năm 2017. Giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh doanh thu ngành sữa đạt 12,7%/năm, có tốc độ tăng trưởng cao nhất đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi. Ngành sữa Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.

Cũng theo số liệu từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, năm 2018, cả nước có 294,4 ngàn con bò sữa, với tốc độ tăng đàn bình quân là 10,9%/năm. Sản lượng sữa năm 2018 đạt 936 nghìn tấn, tăng bình quân 15%/năm cho giai đoạn 2011-2018, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là sản phẩm sữa bột công thức xuất sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines. Tổng xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa năm 2018 của Việt Nam ước đạt trên 300 triệu USD.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp trong ngành không ngừng đầu tư, xây dựng, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã, đang đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ có trình độ tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới, nhiều trang trại đạt chuẩn Global G.A.P, VietGAHP, trang trại hữu cơ…nhằm tăng sản lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và tiếp cận ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị sữa, sản phẩm sữa ở thị trường trong và ngoài nước…

Dự báo trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9 – 10% và đạt mức 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020. Nguyên nhân là do, thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại; nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt và các sản phẩm dinh dưỡng y học; xuất khẩu sữa của Việt Nam đang từng bước phát triển tại các thị trường Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu và kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 1 diễn ra năm 2017 đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành và doanh nghiệp

Vì vậy, để tiếp tục tạo điều kiện cho ngành sữa Việt Nam hội nhập phát triển bền vững, từ ngày 30/5 – 2/6/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Sữa Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa, lần thứ 2.

Dự kiến, triển lãm có hơn 200 gian hàng của các đơn vị là những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa trong nước và quốc tế. Sản phẩm trưng bày tại sự kiện gồm: sữa và các sản phẩm sữa; nguyên liệu phụ gia sử dụng trong ngành sữa; công nghệ, dây chuyền và bao bì phụ kiện trong chế biến sữa; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; doanh nghiệp kinh doanh giống bò sữa; thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y; công nghệ xử lý môi trường, hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; tài chính, ngân hàng, dịch vụ tư vấn, du lịch, vận tải; tư vấn chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng…

Theo các chuyên gia, triển lãm là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam.

Theo báo Công Thương